Hướng dẫn phân biệt rắn độc và rắn thường bằng mắt chỉ trong 3 giây
2024.08.26
Tại Việt Nam, mỗi năm có rất nhiều ca bị rắn cắn vì không phân biệt được giữa rắn độc và rắn không độc. Do đó, việc nắm được những đặc điểm nhận dạng của các loài rắn là vô cùng cần thiết đối với những ai đang sống tại một môi trường đa dạng các loài rắn như tại Việt Nam. Dưới đây là thông tin mà CESCO đã tổng hợp được về cách phân biệt rắn độc cần lưu ý.
Cách phân biệt rắn độc và không độc
Ngoài phân biệt rắn độc thông qua màu sắc, hoa văn đặc trưng thì bạn có thể tìm hiểu thêm các cách phân biệt thông qua các bộ phận khác của rắn như: mắt, đuôi, vảy, mũi,.. Và nên lưu ý rằng tất cả các đặc điểm chỉ là tương đối, không có cách xác định nào là chính xác 100% cả, vì nó còn phụ thuộc vào từng loài rắn, sự biến dị của chúng và môi trường mà chúng sống cũng có thể khiến chúng thay đổi hình dạng, ngoại hình để thích nghi. Tìm hiểu đặc điểm, nhận dạng và ghi nhớ từng loài rắn sẽ là cách hữu ích nhất cho bạn để phân biệt rắn độc và rắn không độc.
Phân biệt rắn độc qua mắt rắn
Đây là đặc điểm phân biệt được tổng hợp trên đa số loài rắn thì rắn không độc sẽ có con ngươi tròn, nhìn rất vô hại. Rắn độc thì lại có con ngươi dài theo chiều dọc.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ như rắn kịch độc như: mamba đen (châu Phi), rắn hổ (Trung Đông, châu Á, châu Phi) lại có con ngươi tròn. Cho nên cũng tùy thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh gặp rắn mà rắn sẽ có thể có những thay đổi khác, nên đừng vội nhận định rắn độc hay không chỉ qua con ngươi của chúng mà cần phải quan sát thêm những đặc điểm khác.
Phân biệt rắn độc qua đầu rắn
Các loài rắn có độc sẽ có đầu xu hướng to hơn, với hình dáng tam giác, đầu hơi phình ra theo chiều ngang. Do bên trong hàm của chúng có răng chứa nọc độc nên sẽ có cấu trúc như vậy. Ngược lại thì rắn không độc sẽ có đầu nhỏ hơn, hình dạng hướng thuông tròn, bầu dục.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ như rắn cạp nong, cạp nia, các loài rắn biển có độc cực mạnh lại có đầu thuông tròn không khác gì rắn lành tính.
Phân biệt rắn độc qua đuôi rắn
- Rắn độc: đuôi có vảy phân theo từng hàng rõ ràng, tách biệt với nhau
- Rắn không độc: vảy đuôi đan xen làm thành 2 cột
Phân biệt rắn độc qua màu sắc, hoa văn
Rắn độc có màu rất nổi bật, bắt mắt, thu hút, hoa văn hình kim cương. Nếu bạn bắt gặp 1 con rắn có màu sắc từ 3 màu trở lên thì khả năng cao đó là rắn độc. Nên cẩn thận tìm cách né tránh rắn càng nhanh càng tốt
Phân biệt rắn độc qua tư thế rắn di chuyển và tấn công
Bản chất rắn độc rất hiếu chiến nên thay vì thu người bỏ đi như những loài rắn lành thì chúng lại lựa chọn tấn công. Rắn độc sẽ bò khá nhẹ nhàng ung dung như thách thức hoặc vào tư thế chuẩn bị chiến đấu như: phồng mang, khè lưỡi, đầu ngốc cao và rít lên để đe dọa kẻ thù.
Phân biệt rắn độc dựa vào vết cắn
Thật sự không mong bạn có thể phân biệt rắn bằng cách này, khi chẳng may phải chạm trán với rắn nếu thực hiện theo các bước xử lí khi gặp rắn sẽ giảm được rủi ro bị rắn cắn. Nhưng nếu bạn hoặc mọi người xung quanh đang hoang mang không biết rắn cắn có độc hay không thì có thể phân biệt qua dấu răng của chúng như sau:
- Rắn độc sẽ có 2 răng nanh chứa độc với 2 dạng răng là răng móc câu và răng ống. Răng móc câu sẽ mọc ở phía trước của hàm trên, với một rãnh dẫn độc bên trong. Các loài rắn sở hữu răng móc câu trước sẽ có nọc độc rất mạnh, có thể gây chết người chỉ với 1 vết cắn như: rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn biển,…Loại răng móc câu này cũng có thể mọc ở phía sau răng hàm trên, rắn có răng mọc như thế này thường sẽ yếu hơn như rắn bùn, rắn thủy bào, tuy cắn không chết nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
- Còn dạng răng ống là răng hơi cong, đầu nhỏ, rỗng ở trong để dẫn độc. Khi cắn vào đối tượng, độc được rắn ép tiết ra thông qua răng đi vào cơ thể. Rắn lục là loài rắn độc tiêu biểu có răng độc kiểu này.
- Tóm lại, khi nhìn vào vết cắn bạn sẽ phân biệt được rắn độc hay không độc. Nếu vết thương có dạng vòng cung, kích thước và độ sâu của các lỗ cắn đồng đều thì là rắn không độc. Còn nếu trên vết cắn có 2 dấu răng sâu, đối xứng nhau và nằm hướng về phía đầu vòng cung của vết thương thì khả năng cao bạn đã bị 1 con rắn độc cắn. Cần sơ cấp cứu và vào bệnh viện điều trị gấp
Phân biệt rắn độc qua tư thế bơi
Rắn nước có độc và không độc khá khó để phân biệt vì chúng ở dưới nước nên không thể nhìn rõ được các đặc điểm. Tuy nhiên, có thể dựa vào dáng bơi của rắn mà phán đoán đơn giản:
- Rắn không độc luôn tìm cách bơi chìm xuống nước, che giấu cơ thể nhiều nhất có thể để không bị phát hiện.
- Rắn nước độc thì sẽ bơi gần như toàn thân đều nổi trên mặt nước với đầu khá ngóc lên.
>> Có thể bạn quan tâm| Bị gián cắn và cái kết bất ngờ
Sơ lược các loài rắn độc Việt Nam
Rắn hổ
Hầu như các dòng thuộc họ rắn hổ đều có độc: rắn hổ mang, rắn hổ mèo, rắn hổ đất,…
- Đặc điểm nhận dạng rắn hổ: Thân màu nâu xám hoặc màu vàng, với đầu ngẩng cao và bành mang ra 2 bên trông rất hiếu chiến
- Nơi sống: rắn hổ là một trong những loài rắn độc tại Việt Nam có khả năng thích nghi rất tốt. Chúng có thể sống trong mọi ngóc ngách, gạch đá,…nguy hiểm hơn là do môi trường hiện tại môi trường sống tự nhiên của chúng ngày càng thu hẹp nên chúng càng lấn dần vào không gian sống của con người như khu vực sân nhà, quanh vườn,…
Nếu bị rắn hổ cắn phải, nọc độc của nó có thể giết chết 1 người trưởng thành chỉ từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Nạn nhân sẽ lừ đừ, liệt cơ hô hấp, sùi bọt mép, co giật, tê liệt rồi chết.
Rắn cạp nia
Rắn cạp nia hay còn gọi là rắn mai gầm bạc, rắn đen trắng, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc.
- Đặc điểm để phân biệt loài rắn độc này: là thân mình được đan xen với 2 màu đen, trắng trải đều từ đầu đến đuôi. Tỉ lệ tử vong cực cao đến 75% nếu như bị rắn này cắn mà không cấp cứu kịp.
- Thời gian săn mồi: rắn cạp nia thường cố tỏ ra hiền lành vào ban ngày, chúng có xu hướng co cụp người, cuộn tròn và dấu đầu. Vào ban đêm chúng trở nên tinh ranh và nguy hiểm. Di chuyển nhanh nhẹn và bị thu hút bởi các ánh đèn. Do đó, nếu chẳng may bạn phải đi qua rừng vào ban đêm rất có thể sẽ bị chúng tấn công bất ngờ do ánh đèn pin thu hút chúng.
Rắn lục sừng
- Đặc điểm nhận dạng: Gọi là rắn lục sừng vì loài này có vảy trên mắt, phát triển nhú lên như cái sừng nhỏ. Mặt rắn được phủ vảy nhỏ, hõm má, chúng có màu đen đặc trưng xen kẽ màu xám. Rắn lục sừng được xếp vào dòng rắn độc và nguy hiểm nhất Việt Nam, do đó nó còn có tên gọi khác là rắn quỷ.
- Nơi sống: loài này xuất hiện chủ yếu ở các rừng mưa và hoạt động chủ yếu ở các khu vực núi đá vôi.
- Thời gian săn mồi: ban đêm
Rắn biển sừng
Tên khoa học của nó là Peron, là loài rắn biển độc nhất Việt Nam và thuộc top 5 rắn biển độc nhất trên thế giới. Đầu rắn có sừng, toàn thân màu kem và xen kẻ vảy màu nâu hoặc xám. Loài rắn độc này thường xuất hiện nhiều tại khu vực ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau. Do đó, bạn phải cực kì cẩn thận khi tắm hoặc dạo chơi tại những khu vực này.
Rắn lục đuôi đỏ
- Đặc điểm nhận dạng: Đúng như cái tên, rắn lục đuôi đỏ có thân màu xanh với cái đuôi màu đỏ. Nọc độc của chúng có chứa 20 thành phần khác nhau, nếu bị cắn trúng mà không cấp cứu kịp thời thì nạn nhân có thể bị trụy tim và tử vong.
- Nơi sống: phần lớn cuộc đời chúng sống trên cây nên màu thân xanh gần như tệp với màu lá giúp chúng ngụy trang tốt hơn
Có một đặc điểm rất riêng biệt của rắn lục đuôi đỏ là chúng để con chứ không đẻ ấp trứng như các loài rắn khác. Sau khi thụ tinh, các quả trứng sẽ được thụ tinh trực tiếp trong bụng rắn mẹ như loài thú. Khi đến ngày sinh, rắn mẹ sẽ tách phần bụng phía hậu môn để các rắn con bò ra. Đây cũng là lúc cuộc đời rắn mẹ chấm dứt.
Các loài rắn không độc tại Việt Nam
Rắn hổ trâu
Tuy cùng thuộc họ rắn hổ nhưng rắn hổ trâu không có độc và lành tính. Vết cắn của chúng chỉ khiến bạn đau, nổi mẩn hoặc sưng phù.
- Đặc điểm nhận dạng: loài rắn này rất lành tính, có thân dài mảnh khảnh, màu sắc chuyển từ nâu nhạt sang đen tùy thuộc khu vực mà chúng sống là khô hay ẩm. Thân rắn hổ trâu có màu đậm hơn so với bụng
- Nơi sống: rắn hổ trâu chủ yếu sống ở ruộng, đường, bụi cây hoặc các hang chuột
- Thời gian săn mồi: chúng hoạt động săn mồi cả ngày lẫn đêm, có thể leo cây và bơi lội dưới nước.
Rắn ri voi
Rắn ri có kích thước rất lớn, nặng 7-8kg, thường chủ yếu được nuôi lấy thịt vì chúng lành tính và thịt chúng lại ngon, dày và thơm.
Rắn ráo
- Đặc điểm nhận dạng: Loài rắn không độc này có thân nhỏ, bụng vàng đặc trưng, đỉnh đầu màu đen, bên dưới thân có màu vàng sáng
- Nơi sống: thường sống tại các bờ ruộng, rẫy, bụi cỏ, vách đá, nương rẫy và có thể bò vào nhà.
Rắn bông súng
Tương tự như rắn ri voi, rắn bông súng vô cùng lành tính, có thân hình to lớn và sinh sản nhanh nên thường được bắt hoặc nuôi để lất thịt, chế biến thành các món đặc sản.
- Đặc điểm nhận dạng rắn bông súng: bụng vàng hoặc trắng xám. Lưng chuyển từ màu xám sang vàng đậm, con trưởng thành có thể dài tới 1m
- Nơi sống: đây thuộc dạng rắn nước nên môi trường sống của chúng chủ yếu dưới đầm lầy, ao hồ hay đầm hoa súng, chúng bò lên lá hoa súng để nằm.
Trên đây là cách phân biệt rắn độc và không độc tại Việt Nam thông qua các đặc điểm đặc trưng và một số loài rắn đặc trưng thường dễ bắt gặp mà bạn cần lưu ý. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc nhận biết các loại rắn, bảo vệ bản thân và những người xung quanh tránh xa khỏi các nguy hiểm đáng tiếc do rắn mang lại.