Gặp rắn phải làm sao? Cách xử lí khi có rắn bò vào nhà
2024.08.22
Theo phản xạ tự nhiên, khi gặp rắn có lẽ 90% chúng ta sẽ la hét hoặc tìm cách tấn công, xua đuổi chúng nhưng thực tế chính hành động đó sẽ làm cho rắn hung hãng hơn. Vậy khi gặp rắn phải làm gì? Đặc biệt là gặp rắn bò vào nhà mình. Dành chút thời gian đọc qua bài viết dưới đây nhé, chắc chắn sẽ hữu ích cho bạn.
Vì sao rắn bò vào nhà?
Có vài lí do để bắt gặp rắn bò vào nhà, cơ bản như hình dưới đây:
- Thời tiết: Thời tiết chuyển mùa có gió lạnh, sẽ dễ gặp rắn bò vào nhà để tìm nơi ấm áp hơn.
- Nhà nhiều cây cối, um tùm: Việc không dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, trồng cây nhiều nhưng không có phun xịt kiểm soát côn trùng, tạo điều kiện cho những loài côn trùng phát triển và tất nhiên rắn sẽ bị thu hút đến tìm thức ăn. Đặc biệt, cây cối nhiều cũng tạo môi trường sống thích hợp cho rắn lục trú ẩn rất nguy hiểm.
- Tìm thức ăn: Nếu bạn đang ở trong khu vực gần núi rừng, ruộng nương, việc có nhiều rắn trong khu vực là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, khi bạn nấu ăn, mùi đố ăn cũng có thể dẫn dụ rắn vào nhà.
- Đuổi theo thức ăn: Đã không ít lần có người bắt gặp rắn bò qua lỗ thoát nước hoặc trên mái nhà, miệng thì vẫn đang ngoạm 1 con chuột. Chuột được xem là món khoái khẩu của rắn, nên khi rượt đuổi chuột, chuột chạy vào nhà, nên rắn cũng bò vào theo. Do đó, chỉ cần phát hiện dấu hiệu nhà có chuột thì phải lập tức tìm cách tiêu diệt ngay.
- Bị lũ cuốn vào nhà: Trời mưa lũ, nước dâng tràn vào nhà và những con rắn trong khu vực sẽ bị cuốn theo.
- Rắn báo thù: đây là lí do khá hiếm gặp vì theo quan điểm dân gian, đặc tính rắn thường đi theo cặp với nhau, nên khi bạn vô tình giết hại 1 trong 2 con rắn, con còn lại sẽ tìm cách báo thù rất hung tợn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào xác thực vấn đề này.
Các loài rắn thường gặp trong nhà
Rắn độc và rắn thường có thể nhận dạng sơ bộ qua các đặc điểm phân biệt rắn độc, tuy nhiên đối với môi trường khí hậu và phân bổ thảm thực vật như Việt Nam, sẽ có 3 nhóm rắn chính mà bạn thường có thể gặp là:
Rắn lục
Đại diện là rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp,...Bạn sẽ dễ bắt gặp rắn lục xuất hiện ở những nhà có nhiều cây cối um tùm vì nơi sống chủ yếu của chúng là trên cây. Thức ăn của chúng là động vật có vú nhỏ như chuột; các loài chim, thằn lằn,..rất phù hợp với những côn trùng thường có trong nhà chúng ta.
Rắn hổ
Đại diện là rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia,...Với bản tính hung hãng và không sợ con người, rắn hổ mang là loài thường bị bắt gặp lúc đang rượt chuột, rượt gà, vịt trong nhà.
Rắn nước
Đại diện là rắn hoa cỏ cổ đỏ. Bên cạnh đó, mỗi một tiểu vùng địa lý của Việt Nam lại mang một đặc trưng về sinh thái riêng, do đó các loài rắn độc tại Việt Nam bạn cần tìm hiểu và nhận dạng thêm càng nhiều càng tốt. Mặc dù trong gần 250 loài rắn được ghi nhận tại Việt Nam chỉ có vài chục loài là nguy hiểm nhưng việc xử lí đúng khi gặp rắn hay sơ cứu vết rắn cắn vẫn vô cùng quan trọng vì tai nạn do rắn gây ra có thể gây thương tật cả đời hay thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Khi gặp rắn trong nhà phải làm sao?
Phản ứng đầu tiên khi gặp rắn thường là hoảng loạn, la hét và dùng mọi thứ xung quanh để ném vào rắn nhằm xua đuổi chúng đi. Nhưng chính những hành động ấy sẽ đẩy bạn vào chỗ nguy hiểm vì rắn sẽ càng kích động và hung hãng khi bị tấn công, cảm thấy bị đe dọa. Khi gặp rắn, bạn nên tiến hành xử lí theo những bước sau:
Bước 1: Bình tĩnh, rời xa khu vực có rắn
Biết rằng rất khó nhưng khi gặp rắn, việc đầu tiên bạn cần phải bình tĩnh, không la hét, làm ồn. Nếu rắn đang nằm trong một góc thì im lặng mở điện thoại hoặc nhớ rõ các đặc điểm của con rắn, sau đó lui nhẹ nhàng ra khỏi khu vực và đóng cửa lại. Cố gắng cô lập con rắn trong 1 phòng, nếu phòng có khe hở thì dùng khăn, quần áo chèn chặt cửa lại không cho chúng thoát ra ngoài.
*Lưu ý, nếu trong nhà có trẻ em hoặc thú cưng thì chú ý không cho lại gần phòng đã gặp rắn đó.
Bước 2: Gọi cho đơn vị xử lí động vật gây hại
Khi chưa chắc rằng đây là rắn có độc hay không độc, bạn tuyệt đối không nên tự xử lí rắn mà hãy gọi ngay cho đơn vị xử lí động vật gây hại đến hỗ trợ bạn ngay.
Bước 3: Tra cứu xem gặp rắn độc hay không độc
Dựa vào hình ảnh đã chụp ban nãy hoặc trong trí nhớ của mình về các đặc điểm của rắn, từ đó tìm kiếm thông tin để biết nó có độc không.
Bước 4: Cho rắn tự tìm đường ra khỏi nhà
Nếu chắc chắn là rắn không có độc thì có thể đóng các cửa phòng trong nhà lại, chỉ chừa đúng cửa chính dẫn ra ngoài. Sau đó mở cửa phòng đã nhốt con rắn ra, im lặng quan sát và cho nó thời gian để bò ra khỏi nhà.
Bước 5: Dùng dụng cụ để đuổi rắn ra khỏi nhà
Nếu đợi một thời gian, rắn vẫn không chịu ra khỏi nhà, bạn có thể dùng các dụng cụ như chổi, đồ hốt rác để đưa chúng ra khỏi nhà. Nếu bạn sợ rắn và không muốn đương đầu trực tiếp với nó thì có thể đặt bẫy bằng thùng rác hay xô lớn, dụ chúng bò vào rồi sau đó đóng nắp lại và mang ra ngoài
*Trong trường hợp bạn chỉ nhìn thấy một phần của con rắn, hoặc chỉ nghe thấy tiếng kêu, kiếng khè của rắn hoặc đơn giản là bạn nghi ngờ có rắn trong nhà thì có thể đặt bẫy chúng thử bằng các thùng lớn có keo dọc bờ tường khu vực nghi ngờ vì rắn thường bò trườn sát mép tường. Thường xuyên kiểm tra lại bẫy và liên hệ đơn vị kiểm soát côn trùng, động vật gây hại để đến khảo sát chuyên nghiệp và kĩ lưỡng hơn.
Khi gặp rắn bên ngoài phải làm sao?
Các bước xử lí khi gặp rắn ở khuôn viên thuộc bên ngoài ngôi nhà như: sân vườn, hồ bơi,…
Bước 1: Đóng chặt các cửa trong nhà và báo cho đơn vị kiểm soát động vật
Nếu nhà bạn có từ 2 người trở lên thì hãy phân công 1 người đi đóng chặt tất cả các cửa chính, cửa sổ, các lỗ hỏng nhỏ để ngăn không cho rắn bò vào nhà.
1 người còn lại sẽ gọi điện thoại nhờ sự trợ giúp từ đơn vị kiểm soát côn trùng, sau đó lùi lại giữ 1 khoảng cách nhất định với rắn nhưng vẫn đảm bảo có thể quan sát được con rắn có bò đi đâu không, để có thể chỉ dẫn cho các chuyên viên kỹ thuật khi họ đến
Bước 2: Bẫy rắn
Nếu bạn muốn bắt con rắn lại để yên tâm không gặp rắn nữa thì bạn có thể dùng bẫy rắn đơn giản với hộp nhựa, bên trong đặt mồi để dụ rắn vào và khi chúng sập bẫy có thể dùng vật nặng đặt lên, đảm bảo phần đất ở đó cứng cáp, đất không quá mềm, rắn không thể chui xuống được. Tuy rắn không có chân, không thể đào hang trốn đi như các loài chuột nhắt, chuột chũi,... nhưng nó có thể trườn xuống các lớp đất mềm để tẩu thoát.
Những lưu ý quan trọng khi gặp rắn
- Đừng bao giờ đụng vào rắn trừ khi bạn thật sự biết chúng không có độc
- Không la hét, giữ bình tĩnh hết sức có thể
- Mang trẻ em và thú cưng ra khỏi khu vực có rắn
- Báo cho mọi người trong nhà về tình hình gặp rắn trong nhà
- Luôn trong tình trạng cảnh giác, đề phòng và cần tìm hiểu trước các biện pháp sơ cấp cứu khi bị rắn cắn
Trên đây là những chia sẻ của CESCO về cách xử lí khi gặp rắn trong nhà. Mong rằng sẽ giúp ích cho bạn nếu chẳng may bạn đụng độ với loài vật nguy hiểm này. Điều quan trọng nhất vẫn là bình tĩnh trong mọi tình huống, trang bị trước cho mình một nền tảng kĩ năng cơ bản về rắn để có thể ứng phó một cách an toàn nhất và quan trọng là phải kiểm soát côn trùng phát sinh trong nhà nhiều nhất có thể vì đó là lí do chính khiến rắn bò vào vào nhà bạn để kiếm ăn. Nếu bạn có nhu cầu kiểm soát côn trùng định kỳ, diệt chuột, diệt gián, diệt muỗi,.. hãy liên hệ ngay với CESCO để được hỗ trợ nhé.